Bé sơ sinh ngạt trong bụng mẹ vì 'kíp trực sai sót'

Bé sơ sinh ngạt trong bụng mẹ vì 'kíp trực sai sót'

Trong nhiều giờ đau đớn, sản phụ liên tục van xin được mổ nhưng các nữ hộ sinh bỏ mặc. Đến khi được mổ đưa ra ngoài, bé trai đã bị ngạt nặng và tử vong sau đó.

Theo tường trình của anh Nguyễn Bá Diệp (cán bộ Trường Trung cấp nghề An Giang), sáng 29/8, anh đưa vợ là chị Lê Thị Kim Lên (30 tuổi, ngụ TP Long Xuyên) vào Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang để sinh con đầu lòng. Sản phụ đau bụng, có dấu hiệu sinh nên được đưa vào phòng chờ lúc 12h. Một giờ sau đó, nữ hộ sinh Lý Ngân Kiều, Trần Thị Như Hoa chọc nước ối nhưng chị Lên vẫn chưa sinh.

"Vợ tôi 2 lần gọi bác sĩ sinh mổ nhưng không được. Đến lúc quá đau, cô ấy đập mạnh vào bàn mổ kêu 'làm ơn mổ cho tôi đi, chịu hết nổi rồi' nhưng 2 hộ sinh vẫn thản nhiên. Lúc này, vợ tôi thấy một sản phụ mới chuyển vào dúi cho nữ hộ sinh tờ 500.000 đồng nên được hỗ trợ, còn vợ tôi nằm một mình trong tình trạng đau bụng dữ dội", anh Diệp tường trình và cho biết vợ anh kể rằng khi lớn tiếng gọi bác sĩ thì nữ hộ sinh quát với giọng gay gắt "đẻ phải đau chứ" rồi tiếp tục bỏ mặc.

Đến gần 15h, 2 nữ hộ sinh quay lại giường chị Lên thì nước ối đã khô. Bác sĩ Hồ Công Khanh được gọi đến khám, chỉ định sinh mổ. Một lúc sau bé trai sinh ra và "được cán bộ y tế tích cực hô hấp". Tối cùng ngày, con chị Lên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cấp cứu. Giấy chuyển viện Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang chẩn đoán "viêm phổi/ngạt, tràn khí màng phổi".

"Gần 2 tuần tích cực cứu chữa cho con tôi, bác sĩ tiên lượng xấu, kêu người thân chuẩn bị tâm lý. Ngày 11/9, gia đình xin phép bệnh viện được làm thủ tục cho bé về nhà lo hậu sự, bệnh viện ghi giấy bệnh 'não thiếu ôxy, viêm phổi, nhiễm trùng huyết'", người cha cho biết thêm.

Nhận được khiếu nại của gia đình sản phụ, Khoa phụ sản Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang phúc đáp rằng, nữ hộ sinh nhận tiền của sản phụ cùng phòng với chị Lên là có thật nhưng chỉ 200.000 đồng (2 tờ 100.000 đồng). Điều này vi phạm quy chế của ngành. Đối với tinh thần trách nhiệm, kíp trực thiếu tích cực trong quá trình theo dõi chuyển dạ, nhất là lúc thai phụ đau bụng nhiều.

Về thái độ và kỹ năng giao tiếp, Khoa phụ sản giải thích người xưa nói "không đau thì sao mà đẻ" nhưng hộ sinh gay gắt nói "đẻ thì phải đau chứ" là không đúng quy định của Bộ Y tế, tập thể khoa nghiêm túc nhìn nhận, hứa chấn chỉnh. Trong chuyên môn, bệnh viện cũng "nhìn nhận sai sót vì kíp trực theo dõi chuyển dạ chưa chặt chẽ, thiếu tích cực và chỉ định mổ chậm".

"Lúc đầu bác sĩ Khanh khám, đánh giá có thể sanh được nên cho theo dõi sanh ngả âm đạo. Tuy nhiên, có thể ngôi thai cuối không tốt, thai phụ đã yếu sức nên rặn không hiệu quả. Thêm vào đó là mất thời gian chuyển đi mổ và thời gian chuẩn bị cho cuộc mổ nên em bé bị ngạt nặng", Khoa phụ sản phúc đáp với gia đình sản phụ.

Trao đổi với VnExpress.net ngày 13/9, bác sĩ Nguyễn Văn Ngãi, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang cho biết, ngày 17/9 tới, đơn vị sẽ họp hội đồng chuyên môn để đánh giá toàn bộ nguyên nhân, diễn biến ca chuyển dạ của sản phụ Kim Lên. Sau đó một ngày, bệnh viện sẽ tiếp tục họp hội đồng kỷ luật để xử lý, kiểm điểm bác sĩ Hồ Công Khanh và 2 nữ hộ sinh Lý Ngân Kiều, Trần Thị Như Hoa vì liên quan đến cái chết của con trai chị Lên.

Đối với lãnh đạo bệnh viện, ngoài việc chia sẻ mất mát với gia đình chị Lên, bác sĩ Ngãi cho biết không hài lòng với cách xử trí của kíp trực trong lúc sản phụ sinh, nhất là thái độ tiếp xúc, ứng xử vi phạm vào các điều cấm của ngành y và quy định về y đức.

"Chắc chắn có sai sót. Chờ hội đồng chuyên môn đánh giá toàn diện, bệnh viện sẽ xử lý nghiêm bác sĩ và hộ sinh để tránh lặp lại tình trạng như đã xảy ra đối với chị Lên", ông Ngãi khẳng định.

Duy Khang - Theo Vnexpress

Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật

Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật

GiadinhNet - "Chẳng lạ gì chuyện đi nhà trẻ, vậy mà tôi vẫn "há hốc miệng" khi thấy những điều "kì quặc" ở trường mầm non Nhật" - một phụ huynh nước ngoài đã choáng váng khi đưa con đến gửi vào lớp mẫu giáo ở Nhật Bản.

Trước khi đến Nhật Bản, Tiantian – con gái tôi cũng đã học 1 năm tại một trường mầm non ở quê hương. Nói vậy để biết chúng tôi không hề xa lạ gì với chuyện đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, những gì tôi được chứng kiến ở trường mầm non tại xứ Phù tang vẫn khiến tôi phải “choáng váng”. Tôi xin kể ra đây 8 điều “kì quặc” về mẫu giáo tại Nhật Bản:
1. Nhiều túi một cách kì lạ
Ngày đầu tiên nhập học, các cô giáo đã giải thích với tôi là cần chuẩn bị cho bé 1 loạt các loại túi với đủ kích cỡ khác nhau. Một túi để sách vở, một túi chăn, một chiếc túi để đồ dùng ăn uống, một hộp để đồ dùng ăn uống, một túi quần áo, một túi quần áo thay, một túi quần áo để cất đồ sau khi thay ra, và một túi để giày. Sau đó, các cô còn cẩn thận dặn dò: chiếc túi A phải có chiều dài như vậy-và-như vậy, túi B phải có chiều rộng như vậy-và-như vậy, túi C phải phù hợp với túi D và E phải đựng được trong túi F. Tôi quả thật chỉ có thể “há hốc mồm”. Một số nhà trẻ thậm chí còn yêu cầu mẹ phải tự tay may túi cho con.
Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật 1
Túi đựng chăn
Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật 2
Từ trái sang: Túi quần áo, túi đựng sách và túi đựng giày
Sau hai năm đi học mẫu giáo thì chúng tôi đã quen với nó, và những đứa trẻ trở nên rất giỏi trong việc đặt những thứ vào đúng chỗ của nó. Tôi thường nghĩ rằng đây cũng chính là lý do mà người dân Kyoto không ngại việc phân loại rác của họ bởi họ đã được dạy điều này ngay từ tấm bé.
2. Tất cả những chiếc túi trên đều do trẻ con xách. Người lớn không phải mang gì cả.
Đây là một cảnh tượng mà tôi thực sự bị sốc: Khi đưa con đến trường hoặc đón con về, tôi nhận thấy rằng tất cả các phụ huynh khác, có thể là cha, mẹ, hoặc ông bà, luôn đi tay không. Trong khi tất cả những chiếc túi có kích thước khác nhau (ít nhất là hai hoặc ba chiếc) như tôi đã đề cập ở trên được xách bởi những cô bé, cậu bé nhỏ lũn chũn. Hơn nữa, chúng lại còn vừa xách vừa đi rất nhanh!
Chúng ta thì sao? Có lẽ do thói quen, có lẽ vì là sự khác biệt văn hóa, nhưng tôi thường mang túi xách cho con, và Tiantian thì đi tay không. Một vài ngày sau, cô giáo đến và đã có một cuộc trò chuyện với tôi: "Mẹ Tiantian, ở trường, cô bé tự làm hết mọi thứ một mình...". Người Nhật có thói quen chỉ nói một nửa câu, và để bạn tự hiểu nốt phần còn lại. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng cô đang có ý muốn hỏi về tình hình ở nhà của Tiantian, nhưng khi nhìn thấy tôi vẫn còn đang suy nghĩ, cô giáo tiếp tục, "...tự xách túi đi học là một ví dụ...". Sau lời nhắc nhở tế nhị này, tôi để cho Tiantian mang túi xách của mình.
Khi buổi họp phụ huynh, tôi nói với mọi người rằng ở đất nước tôi phụ huynh thường thực hiện tất cả mọi thứ cho con mình. Đến lượt các bà mẹ Nhật Bản “choáng váng”. Đồng lòng như một, họ hỏi: "Tại sao?"
Tại sao? Có phải vì chúng ta yêu thương con cái của mình nhiều hơn mẹ Nhật?
3. Thay quần áo liên tục
Trường mẫu giáo Nhật của Tiantian có đồng phục riêng. Khi Tiantian đến lớp, bé phải cởi nó ra và mặc quần áo để chơi vào. Bé cũng phải cởi giày của mình và thay vào đó là đôi giày vải bệt như giày múa ba lê màu trắng. Khi đi vào sân tập thể dục, con phải thay giày. Sau giấc ngủ trưa thì bọn trẻ lại thay đổi quần áo một lần nữa. Thực sự rất phiền toái.
Khi Tiantian còn học Lớp hoa cúc, bé thay quần áo rất chậm và tôi không thể không giúp con một tay. Nhưng tôi nhanh chóng nhận thấy rằng tất cả các bà mẹ Nhật Bản đều đang đứng sang một bên, không ai giúp đỡ con mình cả. Tôi từ từ thấy rằng việc thay quần áo tưởng như “kì quặc” này cũng góp phần giáo dục con cái biết tự lập và độc lập trong cuộc sống. Thông qua những việc ở trường như thay quần áo, gắn “sao” hàng ngày, treo khăn tay lên giá…những đứa trẻ này bắt đầu học thói quen giữ gìn mọi thứ ngăn nắp ngay từ khi mới 2,3 tuổi.
4. Mặc quần đùi vào mùa đông
Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật 3
Mùa đông nhưng ở trong nhà, các bé vẫn mặc quần đùi
Trẻ em trong các trường học của Nhật Bản mặc quần short (quần đùi) kể cả trong mùa đông, bất kể trời lạnh đến như thế nào. Ông bà của con gái tôi ở nhà đã rất lo lắng, và liên tục nhắc nhở tôi cần nói chuyện với giáo viên về vấn đề này, bởi vì con tôi không như trẻ Nhật, không thể chịu lạnh được.
Các mẹ hẳn ai cũng hiểu một điều là, khi con trẻ mới bắt đầu đi học mẫu giáo, bé sẽ ốm, sẽ ho, sẽ hắt xì sổ mũi liên miên. Nhưng khi tôi nói chuyện với các bà mẹ Nhật Bản về vấn đề này, câu trả lời của họ làm tôi ngạc nhiên. "Tất nhiên rồi! Lý do chúng tôi gửi con đến học mẫu giáo là để bị bệnh."
Nhìn thấy sức khỏe của con thay đổi và dần thích ứng với các điều kiện khác nhau, tôi chợt nhận ra rằng chúng ta không nên làm hỏng con mình bằng việc bao bọc chúng quá kỹ càng.
5. Giáo dục hỗn hợp
Chúng ta thường quen với chuyện mỗi lớp sẽ có một chương trình học riêng và trẻ đến trường là ở nguyên trong lớp của mình. Ở Nhật thì khác.
Tất cả các lớp học mầm non đều được đặt theo tên của một loại hoa. Khi mới vào học, Tiantian bắt đầu với Lớp hoa cúc, sau đó là Hoa Lily, bây giờ bé đã là một trong những "chị cả” của trường, học lớp Hoa Violet. Với những bé sơ sinh chưa tròn 1 tuổi sẽ được gộp chung vào một lớp gọi là Lớp hoa Anh đào.
Trước 9:30 sáng, và sau 3:30 chiều, học sinh toàn trường sẽ cùng chơi chung. Trong sân lớn của trường, trẻ lớn giữ trẻ bé, đứa nhỏ đuổi bắt đứa lớn và chúng vui chơi vô cùng hòa đồng. Trẻ em Nhật được trải nghiệm cảm giác có "anh chị em” và qua đó, ý thức về độ tuổi, sự trưởng thành của bản thân cũng tăng lên rõ rệt.
6. Giáo dục mầm non dạy trẻ em biết cười và nói “cảm ơn”.
Ở cấp mẫu giáo Nhật Bản, có vẻ như họ không quan tâm đến việc giáo dục trí tuệ cho trẻ em. Họ không có sách giáo khoa, chỉ có vài quyền sách ảnh mới mỗi tháng. Trong bản kế hoạch giáo dục của nhà trường, cũng không có bất kỳ môn nào như toán, hát, vẽ hay thậm chí là cả tiếng anh, tập tô, tập viết…
Vậy các trường mẫu giáo ở Nhật dạy gì? Khi tôi hỏi câu hỏi này, các cô giáo đã trả lời rằng: “Chúng tôi dạy các em học cách mỉm cười”. Ở Nhật, bất kể bạn là ai, bạn đang nói chuyện với ai, biết cách mỉm cười mới là điều quan trọng. Một cô gái có nụ cười tươi luôn là người đẹp nhất.
Giáo dục mầm non Nhật Bản còn dạy gì nữa? Họ dạy trẻ em cách nói “Cảm ơn”. Có thể nói, tất cả những gì mà người Nhật coi là quan trọng, thì ở nước ta, điều đó lại không quá được chú tâm. Tuy nhiên tôi để ý là, sau 3 năm học, Tiantian thậm chí đã tiến bộ cả trong khả năng âm nhạc, nghệ thuật, và đọc chữ. Những điều này trẻ có được từ những cải thiện để hướng đến một nền giáo dục toàn diện.
7. Vô vàn buổi dã ngoại
Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật 4
Trẻ mầm non Nhật rất hay được đi dã ngoại.
Trường mầm non ở Nhật Bản rất hay tổ chức các buổi dã ngoại. Điều đó cũng có nghĩa là tôi phải đánh dấu vào lịch những ngày tôi cần chuẩn bị hộp ăn trưa cho con để bé mang đi theo đường. Tôi không thể đếm bao nhiêu lần Tiantian đi leo núi, bao nhiêu hồ bé đã nhìn thấy, hoặc có bao nhiêu động vật hoặc thực vật bé gặp.
Bên cạnh đó, Tiantian cũng hay được đi nhặt quả sồi, làm bánh, tham gia lễ hội thể thao, biểu diễn cho các sự kiện cộng đồng, ngủ qua đê ở ngoài, đến các lễ hội nổi tiếng, tham dự đền thờ, triển lãm… Tôi chỉ biết rằng có rất nhiều.
8. Khả năng phi thường của giáo viên
Sửng sốt với cách nuôi dạy trẻ "kỳ quặc" ở trường mầm non Nhật 5
Các cô giáo mầm non Nhật Bản luôn tận tâm và vui vẻ.
Trong một lớp mầm non Nhật có 10-30 học sinh, nhưng chỉ có một giáo viên. Ban đầu tôi đã khá nghi ngờ, nếu chỉ một giáo viên mà có thể kiểm soát hết tất cả chừng đấy học sinh thì quả thật “phi thường”. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng tôi đã đánh giá thấp những giáo viên mẫu giáo Nhật Bản. Chỉ với một giáo viên này, cô đã có thể tổ chức ra chương trình văn nghệ của các bé (rất chuyên nghiệp), 30 tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, đọc sách, ngày sinh nhật ba mươi trẻ em…tất cả đều rất qui củ và có phương pháp. Nhìn vào giáo viên, tôi thấy cô ấy luôn luôn vui vẻ và thoải mái, mặc dù cũng đã khoảng 50 tuổi.
Quả thật, những điều tôi đã "mắt thấy tai nghe" về nền giáo dục và nuôi dạy con cái của Nhật Bản quả thật luôn khiên tôi cảm thấy thú vị và khâm phục.

Không vay được tiền, bố đâm con 4 tháng tuổi

Không vay được tiền, bố đâm con 4 tháng tuổi

Không được bố đẻ cho vay tiền làm ăn, Kiều Huy Vũ (29 tuổi, xã Tích Giang, Phúc Thọ, Hà Nội) hãm hại đứa con vừa sinh, rồi treo cổ định tự vẫn.

Theo chính quyền địa phương, sau khi được cấp cứu tại bệnh viện, Vũ đã bị tạm giữ để phục vụ điều tra. Vũ khai cần vay tiền làm ăn nhưng không được bố đẻ là ông Kiều Huy Khôi chấp thuận. Trong lúc không làm chủ được bản thân, Vũ đã đâm vào bụng con và tự treo cổ mình.

Trao đổi với VnExpress.net, nhiều người hàng xóm cũng cho hay, Vũ nhiều lần tâm sự rằng muốn mở rộng làm ăn nên vay tiền của bố song chưa được đồng ý.

nha-dam-con-480-1378184722.jpg
Nhà của Vũ tại xã Tích Giang. Ảnh: Đỗ Việt

Khoảng 10h30' ngày 1/9, giao con cho chồng được ít phút, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (18 tuổi, vợ Vũ) đi ra ngoài. Khi về, chị thấy nhà đóng kín cửa, liên lạc với chồng không được. Bà Nguyễn Thị Duyên, mẹ Vũ, và hai con đến gọi cửa cũng không được.

Công an xã cho biết, bà Duyên khai khi gia đình phá cửa thì thấy Vũ treo lơ lửng trên xà nhà. Đứa con gái 4 tháng tuổi của Vũ nằm khóc trên giường. Khi nhấc Vũ xuống, mọi người phát hiện trên cổ anh ta có vết cứa mỏng. Lật tấm chăn mỏng đắp ngang người cháu, mẹ Vũ phát hiện có vết thương trên bụng đứa trẻ. Bà Duyên cùng người thân tức tốc đưa cả hai bố con Vũ đi cấp cứu.

Ông Kiều Bình Bính, Trưởng công an xã Tích Giang, cho hay khi tới hiện trường thấy một cuộn dây dù và một con dao gọt hoa quả, trên giường vương vãi vết máu, đồ đạc trong nhà bị xáo trộn.

Theo ông Kiều Huy Khôi, Vũ làm nghề sửa chữa ôtô ở thị xã Sơn Tây. Sau khi lấy vợ, Vũ mở cửa hàng bọc yên xe máy tại nhà. "Thằng Vũ hiền, khéo ăn nói. Vợ chồng sống hạnh phúc", ông nói.

“Ở địa phương nhiều người cho rằng Vũ chơi lô đề, vay nợ nhiều song công an chưa nhận được tố cáo về việc này”, một quan chức tại địa phương cho hay.

Hiện, con gái của Vũ đã qua cơn nguy kịch sau khi được phẫu thuật tại Viện Nhi Trung ương.
Đỗ Việt