Sự thật kỳ án xưa: Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ vồ vua Lý Nhân Tông

Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ vồ vua Lý Nhân Tông
Lê Văn Thịnh (1040 - 1096) được coi là vị trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Ông là người đỗ cao nhất trong khoa thi đầu tiên của nhà Lý tổ chức năm 1075, trải qua nhiều chức quan rồi làm tới chức Thái sư – quan đầu triều. Tuy nhiên, một sự việc kỳ quặc có một không hai đã xảy ra năm 1095, để rồi ông bị cách hết chức tước, đày đi Thanh Hóa và qua đời ở miền biên viễn năm 1096. 

Kim bảng quải danh đề 


Theo sử sách tương truyền, Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 2 năm Canh Thìn (1040) ở khu Bảo Tháp, sau là làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Bố là cụ Lê Thành, dạy học và làm thuốc. Mẹ là cụ Trần Thị Tín, người làng Ngô Xá (sau là thôn Thị Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ). Lên 7 tuổi Lê Văn Thịnh được cha mẹ cho đi học, đến 13 tuổi đã thông hiểu kinh sử thi thư, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, học trò thời ấy thán phục, thảy đều gọi Thịnh là thần đồng. Đến năm 18 tuổi, bố mẹ mất, ông lo an táng và ở nhà hương khói phụng thờ. Sau 3 năm, ông dựng trường dạy học ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang, huyện Gia Lương. Đến thời Lý Nhân Tông nối nghiệp bình trị, triều đình nhà Lý lần đầu tổ chức khoa thi mang tên Minh kinh Bác sĩ và Nho học Tam trường, Lê Văn Thịnh đi thi và đỗ đầu, được phong ngay chức Thị độc (dạy vua học) rồi làm Binh bộ Thị lang, tiếp tục làm đến chức Lang trung binh bộ.

Bức tượng thái sư Lê Văn Thịnh
Bức tượng thái sư Lê Văn Thịnh
Năm 1081, Lê Văn Thịnh được cử làm trưởng đoàn sang nhà Tống (Trung Quốc) để làm công tác ngoại giao, đàm phán các vấn đề thuộc về cương giới lãnh thổ thuộc các vùng Quy Hóa và Thuận An. Tại hội nghị này, Lê Văn Thịnh đã khẳng định tài năng và đẳng cấp của một nhà ngoại giao kiên quyết với lý lẽ vững vàng, thái độ cứng rắn. Ông nói rõ hai vùng đất ấy là của nước ta, bị bọn tù trưởng vùng biên giới nhân lúc lộn xộn đem nộp cho nhà Tống để mong tránh nạn binh đao. Nay ông yêu cầu nhà Tống trả lại. Câu đối đáp khéo léo mà nghiêm khắc của Lê Văn Thịnh đã làm cho bọn sứ thần nhà Tống phải hổ thẹn, sau được Lê Văn Hưu chép lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư: “Đất đai vốn có chủ. Bọn được giao cho trông coi để giữ lấy mạng đã nộp rồi trốn đi thì đó là đất ăn trộm. Chủ giao cho mà lại trộm của chủ, là tội không thể tha thứ được. Kẻ ăn trộm và kẻ tàng trữ vật trộm cắp đều sai, huống chi bọn chúng lại mang đất ăn trộm đến dâng là làm bẩn sổ sách của thiên triều”. Năm 1084, sau sự kiến Lý Thường Kiệt chỉ huy quân sĩ đánh thắng quân Tống bên sông Như Nguyệt, nước ta tiếp tục có những thảo luận ngoại giao quan trọng về trao trả tù binh và phân chia địa giới. Ở những cuộc thương thảo đó, Lê Văn Thịnh đều giữ một vai trò vô cùng quan trọng khiến triều đình vô cùng kính phục. Năm 1085, ông lập tức được thăng  vượt cấp, giữ chức Thái sư, nghĩa là chỉ sau một người mà đứng trên muôn vạn người.
 

Kỳ án hồ Dâm Đàm

 
Một người như Lê Văn Thịnh có thể nói đã đạt tới chỗ công danh tột bậc, nức tiếng cả nước. Thế nhưng không ngờ cuối đời lại dính vào sự việc kỳ quặc có một không hai, cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích rõ ràng. Chỉ biết các sách sử như Đại Việt sử lược (thời Trần) và Đại Việt sử ký toàn thư (bộ thời Hậu Lê) ghi lại sự việc như sau: Vào quãng mùa đông tháng 11 năm Ất Hợi (1095), vua Lý Nhân Tông cùng các triều thần dong thuyền dạo chơi trên Hồ Tây để thưởng ngoạn cảnh đẹp thái bình, sau những ngày chiến trang gian khổ. Thuyền ra đến giữa hồ thì sương mù tỏa xuống che kín thuyền ngự, làm cảnh vật mờ ảo muôn phần. Đúng lúc đó, một con cọp ở đâu xuất hiện, nhảy vào đám đông, các quan và lính ngự lâm thị vệ hoảng hồn dạt ra, cọp tiếp tục lao vào thẳng vua Lý Nhân Tông như muốn vồ ăn thịt. May sao có người lái thuyền, vốn là một ông chài can đảm, tên là Mục Thận, đã nhanh trí tung cái lưới chùm vào đầu con cọp. Lưới lùng nhùng làm cho cọp lúng túng không thể thoát ra. Một lúc sau sương mù giảm bớt, nhà vua cùng tùy tùng bớt sợ, sai quân lính xông vào bắt cọp nhưng kết quả thật bất ngờ: trong lưới không thấy cọp đâu mà thay vào đó lại là thái sư Lê Văn Thịnh đang loay hoay trong tấm lưới. Ngay lập tức, Lê Văn Thịnh bị buộc tội dùng pháp thuật hóa cọp, toan giết vua để cướp ngôi. Lẽ ra phải khép vào tội tru di tam tộc nhưng vua Lý Nhân Tông thương tình một vị đại thần có nhiều công lao trong việc nội trị, ngoại giao, lại là người học hành uyên bác nên không nỡ xư tội chết. Lê Văn Thịnh bị cắt hết chức tước và phải đày ở trại Thao Giang (có sách nói thuộc Thanh Hóa ngày nay, có sách nói thuộc Phú Thọ ngày nay) và mất tại đây. 
 

Những câu chuyện sau vụ án

 
Có sách chép rằng, sở dĩ thái sư Lê Văn Thịnh học được phép biến hóa thành hổ là do có kẻ gia nô trong nhà vốn là người Đại Lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), có phép ảo thuật kỳ lạ nên Lê Văn Thịnh đã học được của nó và định mưu đồ làm phản. Có sách lại nói, do vua Lý Nhân Tông không quan tâm đến việc triều chính, Lê Văn Thịnh nhiều lần khuyên ngăn không được nên đã mượn phép niệm chú hóa hổ để dọa vua, mục đích để vua sợ và bớt chơi bời, giành thời gian lo việc triều đình. Sau vụ án này, do sợ liên lụy tới gia đình và dòng họ nên Lê Văn Thịnh đã quyết định “hóa gia vi tự” (nghĩa là biến nhà ở của mình thành chùa). Một ngày mưa gió sấm chớp, trời đất tối sầm, bỗng có đám mây ngũ sắc bay về trời Đông Cứu, trong đám mây có dáng hình Lê Văn Thịnh. Khi trời quang mây tạnh, không thấy bóng ông nữa. Từ phía chân núi, nhân dân thấy có đồng đất mối đùn to, bèn đắp thành ngôi mộ và lập đền thờ ông gần đó. Hôm ấy là ngày mồng 7 tháng giêng, được coi là ngày mất của Lê Văn Thịnh.
 
Còn theo sách Thần phả tại Đền Thượng, vùng Bảo Tháp gần quê hương ông thì  ghi lại chuyện ông mất như sau: “Vào phiên chợ Đình Tổ, ngày hai bốn tháng chạp, Lê Văn Thịnh được phép lên đường từ trại Thao Giang về thăm quê. Do sức yếu nên khi đến đây, ông bị ngã vào quầy kim dao rồi mất. Nhân dân lo sợ, đặt ông lên thuyền nan rồi đẩy ra hồ ven sông Dâu, để thi hài trên đám bèo rồi úp thuyền lên. Ngày hôm sau mối đùn chỗ ấy lên thành mộ. Với quan niệm chết vào giờ thần linh, nhân dân Đình Tổ đã tôn ông lên làm thành hoàng làng”. 
 
Thời Trần Thái Tông, nhà Nguyên xâm lược nước ta, kinh thành Thăng Long bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn phụng mệnh triều đình, dẫn cánh quân thủy bộ tiến về phía Đông Bắc. Khi đi đến vùng Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Quế Dương, trang Chi Nhị, thấy có đền thờ nên vào lễ và cầu xin thần phù hộ để đánh thắng giặc. Khấn xong bỗng thấy hiện lên ba chữ “Trạng Nguyên Từ” mặc dù đền không hề có ba chữ ấy. Thấy lạ, Trần Quốc Tuấn bèn mời bô lão trong làng ra hỏi cho rõ ngọn nguồn. Hóa ra đó chính là đền thờ Lê Văn Thịnh. Trận đó Trần Quốc Tuấn thắng lớn, bắt được tướng giặc là Ô Mã Nhi. Ông đã xin triều đình phong sắc cho quan Trạng với nội dung như sau: “Mỹ tự nhất vị tôn thần. Tế thế hộ quốc phụ cảm linh ứng triệu mưu, tế tích thiên văn hoành bác thông minh tuệ trí, hùng lược cũng quyết bản cảnh thành hoàng tri thần”. Đến thời Lê Thái Tổ, sau khi đánh thắng giặc Minh, lại tiếp tục sắc phong cho ông: “Mỹ tự nhất vị hiển ứng linh thiêng triệu mưu thắng toán. Phả tế cương nghị anh linh đại vương”. 
 
Lời giải đáp của các chuyên gia 
 
Các nhà sử học thời kỳ hiện đại không tin vào chuyện hoang đường, hầu hết đều cho rằng ông bị hàm oan. Có quan điểm cho rằng “màn kịch” hóa hổ, giết vua được dựng lên từ sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo (Quốc giáo) và Nho giáo (mà đứng đầu là Thái sư Lê Văn Thịnh). Khi Phật giáo cảm thấy địa vị độc tôn của mình bị đe doạ thì đương nhiên là phải có “giải pháp”. Nhà nghiên cứu Đỗ Huy (Viện Triết học) từng cho rằng, thực chất vụ án hoá hổ chỉ là màn kịch phản ánh cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng Nho giáo mà Lê Văn Thịnh là đại diện với một bên khác sùng Phật giáo, trong đó có cả Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông.
 
Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh
Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh
Cũng cần nói thêm, vào năm 1085, khi Lê Văn Thịnh nhậm chức Thái sư cũng là lúc Linh Nhân Hoàng Thái Hậu thôi nhiếp chính, bắt đầu mải mê với công cuộc xây dựng, tu sửa chùa chiền, với những khoản kinh phí vô cùng lớn từ quốc khố. Là nhà nho tiết tháo, đứng đầu các quan, Lê Văn Thịnh không thể không có ý kiến và đây cũng có thể là nguyên nhân của mối tai hoạ mà ông gặp phải.
 
Trong khi đó, vua Lý Nhân Tông dù đã đi cầu khấn khắp các chùa chiền mà mấy chục năm không có con trai. Việc này, nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng (Bảo tàng Hà Bắc cũ) nhận định, khi đứng vào tình thế bị nhiều người ngấp nghé ngôi báu, Lý Nhân Tông tất sinh bệnh đa nghi, rất có hại cho kẻ dưới quyền. Vụ việc “hóa hổ” càng trở nên đáng tin hơn khi ngay thời đó trong dân gian đã lưu truyền rằng, Lê Văn Thịnh học được nhiều phép thuật, trong đó có phép thả mù, hoá hổ. Với tâm trạng u uất, đa nghi như vậy, cộng thêm những lời gièm pha, đồn thổi và một “màn kịch” vào buổi sáng sương mù trên hồ Dâm Đàm, vậy là ông vua quy cho thày mình cái tội mưu phản.
 
Tuy ngày nay chúng ta có thể khẳng định câu chuyện trên là “sản phẩm” của sự hoang đường, nhưng với trình độ thời đó, khi con người vẫn tin vào các câu chuyện ma quái thì việc Lê Văn Thịnh “hóa hổ” là có thể xảy ra. Hiện nay, tại quê hương Bắc Ninh của ông, có tới hai khu di tích được lập ra để thờ ông tại các huyện Thuận Thành và Gia Bình, được trùng tu nhiều lần.
 
Bài "Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ vồ vua Lý Nhân Tông"
Nguồn Internet