Hồng sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, trong
một gia đình trung lưu. Bố mẹ cô đều là công chức nhà nước. Bố cô làm
việc trong một xưởng in, còn mẹ cô là giáo viên trường tiểu học. Nhà
Hồng có hai anh em, Hồng là con út nên rất được anh và cha mẹ chiều
chuộng.
Tuy kinh tế của gia đình chỉ ở mức trung
bình, nhưng từ nhỏ, bố mẹ Hồng đã không để cho cô phải thiếu thốn thứ
gì. Hồng được ăn học đàng hoàng, được gia đình yêu thương, chăm sóc, mẹ
cô lại rất quan tâm bảo ban, giáo dục con cái, song chẳng hiểu sao, từ
khi còn rất bé Hồng đã có tính hay ghen tị với các bạn.
Mỗi khi đi học hay sang nhà bạn chơi,
thấy bạn có thứ gì đẹp mà mình không có, Hồng hay về khóc lóc rồi vòi
vĩnh bố mẹ phải mua cho mình. Bố mẹ Hồng thường chiều theo ý con, nhưng
có những thứ quá khả năng tài chính của họ, hoặc thấy đòi hỏi ấy là quá
vô lý, bố mẹ Hồng sẽ từ chối và khuyên răn con.
Mặc dù vậy, Hồng chưa bao giờ chịu từ bỏ
thứ mà mình đã thích, cô thường tìm cách để sở hữu bằng được thứ ấy,
đôi khi đó chỉ là một cái kẹp tóc, một cái vòng tay hay một con búp bê…
Nếu không được bố mẹ đáp ứng đòi hỏi của mình, Hồng thường sang nhà bạn
rồi lân la tìm cách… ăn trộm. Nhiều lần phát hiện con mình lấy đồ chơi
của bạn mà không xin phép, bố mẹ Hồng phải đem trả lại và xin lỗi hộ con
mình.
Là người khá nghiêm khắc, mỗi lần phát
hiện con mắc lỗi, mẹ Hồng cũng ra sức dạy bảo, nhưng bà chưa bao giờ
đánh Hồng. Thế nhưng cô con gái bà vẫn chứng nào tật nấy.
Dần dần, Hồng
hình thành một thói quen xấu, ấy là tật ăn cắp vặt. Cứ thấy đồ vật nào
hớ hênh là cô lại “tiện tay” đút túi, dù lấy về rồi cũng chẳng để làm
gì, thỉnh thoảng chỉ lôi ra ngắm nghía như một “chiến lợi phẩm”.
Tuy nhiên, cái cảm giác vui sướng, thỏa
mãn lúc lấy trộm được đồ lại như một chất gây nghiện, khiến cho Hồng
chẳng thể nào từ bỏ được. Đó là một căn bệnh, nhưng Hồng không ý thức
được điều đó, và những người xung quanh cô cũng vậy. Càng lớn, tật xấu
này càng ăn sâu vào tính cách của Hồng.
Được sự động viên của bố mẹ, Hồng cũng
học hết đại học, tuy rằng cô chẳng mấy mặn mà với việc đèn sách, lại
càng không có hứng thú với chuyên ngành mình theo đuổi.
Hồng vẫn nghĩ rằng cô học như vậy là để
“mát mặt” bố mẹ. Ra trường, Hồng kiếm được một công việc làng nhàng,
nhàn hạ, ấy là nhân viên đánh máy kiêm lễ tân trong một công ty tư nhân,
vì thật ra trình độ của cô chỉ được khẳng định trên giấy tờ.
Sở dĩ Hồng có được công việc này không
phải bởi cô giỏi hay xuất sắc hơn những ứng cử viên cùng tham gia phỏng
vấn với mình, mà bởi cô có ngoại hình nổi trội. Hồng cao ráo, trắng
trẻo, khuôn mặt ưa nhìn, lại biết cách ăn mặc, trang điểm nên thường
chiếm được cảm tình của người đối diện ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Đó
là điều rất quan trọng đối với vị trí lễ tân trong một công ty chuyên
về tư vấn thiết kế.
Làm việc ở công ty chưa lâu nhưng Hồng
đã gây ra khá nhiều tai tiếng. Các đồng nghiệp không ưa gì cô, bởi cứ có
sự xuất hiện của Hồng là những thứ đồ lặt vặt của họ lại “không cánh mà
bay”.
Họ xì xào, bàn tán và nghi cho Hồng lấy,
nhưng lại chẳng có bằng chứng nào, bởi vậy mà chẳng ai kết tội được cô.
Hồng rất tự mãn vì điều ấy, cô tự cho rằng mình là một “cao thủ” trong
“nghề” trộm vặt. Nhưng Hồng không thể lường trước được rằng chính cái
tật xấu ấy đã đẩy cô vào con đường tăm tối, không lối thoát.
Lần đó, sau một cuộc điện thoại gấp gáp,
sếp của Hồng phải đi gặp đối tác mà quên không khóa cửa như thường lệ.
Hồng lại vướng mắc mấy văn bản, hợp đồng phải đánh máy gấp nên cô về
muộn nhất công ty. Nếu Hồng cứ thế ra về thì có lẽ cô đã chẳng vướng
phải tai ương, nhưng Hồng lại tò mò bước vào phòng của sếp, cô muốn được
ngồi thử lên chiếc ghế to nhất công ty xem cảm giác thế nào. Đó đơn
giản chỉ là một ý nghĩ rất trẻ con. Nhưng khi Hồng đang tận hưởng cảm
giác của một người quan trọng thì có một vật đã đập vào mắt cô. Ấy là
cây bút mà sếp Hồng thường dùng để ký. Nó là một cây bút của một hãng
danh tiếng, được mạ vàng, khảm ngọc để hợp với tuổi của sếp, đựng trong
một chiếc hộp sang trọng, cũng được mạ vàng và thiết kế riêng theo yêu
cầu.
Hồng đã không thể kìm lòng, cô cầm chiếc bút lên ngắm nghía, rồi lặng lẽ… đút nó vào túi, mang về.
Chiếc bút ấy ắt hẳn phải rất đắt tiền,
nhưng quan trọng hơn, nó lại là kỉ niệm và là vật may mắn của ông sếp.
Do đó mà vụ mất cắp chiếc bút trở nên om sòm. Song vẫn như mọi khi, Hồng
rất dửng dưng, vì tự tin cho rằng không ai có thể phát hiện ra cô là
người đã lấy nó. Hồng đã quá chủ quan khi nghĩ như vậy, vì trong phòng
ông sếp luôn có một chiếc camera được lắp đặt ở nơi khó phát hiện. Cũng
bởi thế mà ông ta chẳng khó khăn gì để tìm ra kẻ gian giấu mặt.
Nhưng thay vì cách xử sự thông thường
đối với một vụ mất cắp, ông ta lại gọi riêng Hồng vào phòng, cho cô xem
lại clip ghi hình, đe dọa rằng sẽ giao nó cho cảnh sát và công bố rộng
rãi để mọi người cùng biết “bản chất” của cô, nếu như Hồng không nhanh
chóng trả lại chiếc bút và… đáp ứng “điều kiện nho nhỏ” của ông ta.
Lần đầu tiên bị phát giác và đe dọa như
vậy nên Hồng rất sợ hãi. Cứ nghĩ đến cảnh mình sẽ phải ngồi tù, bạn bè
sẽ khinh rẻ, bố mẹ sẽ phải xấu hổ vì có đứa con như vậy… Hồng không thể
chịu nổi, và cô đành chấp nhận những điều kiện mà ông sếp đưa ra, đó là
để ông ta được “vui vẻ” một đêm với mình, coi như “đền bù thiệt hại”.
Hồng ngây thơ nghĩ rằng sau lần ấy, mọi
việc sẽ “chìm xuồng”, cô vẫn có thể làm việc như cũ và cả hai đều coi
như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng Hồng đã nhầm, bởi trong mặt lão
sếp háo sắc, Hồng là một “miếng mồi ngon” mà lão dễ dàng thao túng. Do
vậy, lão sẽ không dễ dàng buông tha cho cô. Thỉnh thoảng, lão lại tìm
cách ve vãn, đòi hỏi Hồng phải “chiều” mình.
Tất nhiên, lão cũng chẳng để cho cô
thiệt, sau những lần ấy, lão lại cho tiền Hồng. Nhưng cầm số tiền ấy,
Hồng chỉ thấy nhục nhã. Vì những ưu ái mà sếp dành riêng cho Hồng, mọi
nhân viên trong công ty dù không nói ra nhưng cũng tự biết rằng cô là
“hàng” của sếp. Họ đối xử có phần e dè với Hồng hơn, nhiều người cũng
tìm cách nịnh bợ cô, nhưng sau lưng cô, họ lại tỏ thái độ khinh miệt, dè
bỉu và xì xào, bàn tán không ít những lời khó nghe. Hồng biết vậy,
nhưng cô vẫn phải cắn răng chịu đựng, vì lão sếp nắm giữ không chỉ một
mà nhiều điểm yếu của cô.
Từ ngày Hồng nhắm mắt “chiều” lão một
lần, lão đã lén quay lại cảnh tình tứ của họ để uy hiếp Hồng sau này mỗi
khi cô định phản kháng hoặc có ý định bỏ việc, không nghe theo lời lão.
Tệ hơn, khi đã có được một cô bồ mới trẻ trung, xinh đẹp hơn thì lão ta
lại biến Hồng thành “hàng xách tay” để “đãi” đối tác hoặc những tay đàn
ông hám gái mà lão cần lấy lòng.
Hồng bỗng trở thành “gái gọi” nghiệp dư
của lão, và cô khá được đám khách hàng của lão ưa chuộng bởi tin tưởng
rằng Hồng là “rau sạch”, là gái nhà lành chứ không phải hạng gái làng
chơi rẻ mạt. Mỗi lần cần “điều” Hồng đi tiếp khách, lão sếp chỉ cần gọi
một cú điện thoại, dù rằng bất kể ở đâu, hay đang làm gì, Hồng cũng đều
phải gác lại để ưu tiên cho việc của lão trước. Vì đã bị lão “nắm thóp”
nên Hồng chẳng có cách nào khác ngoài phục tùng và tỏ ra dễ bảo để những
đối tác của lão được hài lòng, và lão cũng vui vẻ. Hàng tháng, lão sếp “
hào phóng” chuyển cho Hồng vài chục triệu vào tài khoản, gọi là tiền để
cô tân trang nhan sắc, mua quần áo đẹp, son phấn xịn để đi tiếp khách
cho lão. Cứ thế, Hồng thả trôi cuộc đời mình.
Song từ ngày gặp được người đàn ông thật
lòng yêu thương và chăm lo cho mình, Hồng bắt đầu cảm thấy tội lỗi khi
phải đối diện với anh. Cô muốn thay đổi lối sống, muốn buông bỏ tất cả
để làm lại từ đầu, nhưng dẫu Hồng có vùng vẫy đến thế nào, lão sếp vẫn
cứ là người “nắm đằng chuôi”, và bất cứ lúc nào, lão cũng có thể khiến
cho Hồng phải mất tất cả.
Người đàn ông yêu cô đã hai lần ngỏ lời
cầu hôn với Hồng, cô cũng rất muốn nhận lời anh, nhưng trong lòng còn
nhiều sợ hãi. Cô chỉ sợ rằng bí mật mà mình che giấu rồi sẽ lộ ra, và
lúc ấy, không hiểu người cô yêu sẽ phản ứng thế nào, liệu anh có thể tha
thứ cho những lỗi lầm của cô hay không? Hơn nữa, lão sếp vẫn như một
bóng ma phủ bóng đen lên cuộc đời Hồng, lão là nỗi ám ảnh mà cô không
biết có cách nào để thoát ra được.
Bài "Ê chề! ‘Vào đời’ gái gọi chỉ vì một cây bút"
Theo Người đưa tin
Theo Người đưa tin
EmoticonEmoticon
Note: Only a member of this blog may post a comment.