Cách xử lý con trộm tiền của người mẹ khéo léo

Tôi vẫn đặt ví trên bàn trang điểm như mọi khi. Và lần này tôi phát hiện bỗng dưng mình thiếu mất 10 ngàn.

Cu Bo nhà tôi năm nay học lớp 4, bé đã 9 tuổi rồi, tính tình lại nhanh nhẹn, thông minh và biết cách đối đáp với người lớn nên vợ chồng tôi rất hài lòng về “cậu cả” của gia đình. Nhưng chuyện đã xảy ra bắt đầu một lần tôi quên ví để đi chợ ở nhà.

Đầu tháng nào, tôi cũng có thói quen xem lại sổ chi tiêu của tháng trước để có những kế hoạch tài chính trong tháng mới. Hôm đó, sau khi xem xét hết đống hóa đơn và nhẩm tính những việc cần chi trong tháng mới, tôi dọn dẹp rồi để một ít tiền mặt trong ví để chi dùng cho buổi chợ ngày hôm sau. Tôi nhớ rất chính xác mình để 450 ngàn đồng trong chiếc ví màu xám quen thuộc rồi để ví trên mặt bàn trang điểm.

Tôi rất bất ngờ khi cậu con trai mới tiểu học đã bắt đầu biết trộm tiền (ảnh minh hoạ)
Tôi rất bất ngờ khi cậu con trai mới tiểu học đã bắt đầu biết trộm tiền (ảnh minh hoạ)

Ngày hôm sau, tôi không mua sắm thức ăn gì nhiều nhưng đếm đi đếm lại thấy thiếu mất 20 ngàn đồng. Nhẩm tính lại không hiểu vì sao ví tiền lại thiếu, mà trong nhà có 4 con người, vợ chồng tôi, cu Bo thì đi học và bé Nem còn nhỏ thì ai lấy vào đây. Vì số tiền nhỏ quá, tôi cho rằng chắc mình nhầm lẫn ở đâu đó và rồi quên luôn chuyện này đi. Tuy nhiên, sang đến tháng sau, sau khi tính toán tiền nong xong, tôi vẫn quyết định để lại trong ví 450 ngàn với 5 tờ 10 ngàn lẻ để đánh dấu. Tôi vẫn đặt ví trên bàn trang điểm như lần trước. Và lần này tôi phát hiện bỗng dưng mình thiếu mất 10 ngàn một cách không bình thường.

Linh tính của người phụ nữ trong gia đình khiến tôi đặt nghi vấn vào cu Bo, vì Bo độ này cũng đã biết tiêu tiền như ai. Tôi muốn làm phép thử xem con sẽ ứng xử ra sao trong tình huống liên quan đến trong mất tiền trong nhà và cũng hy vọng thủ phạm không phải là con trai.

Nghĩ là làm, sớm hôm sau, tôi cố tình đánh rơi tờ 20 ngàn trong phòng của Bo. Đến bữa sáng, khi con đang ngồi ăn bánh mỳ, tôi mới hỏi Bo: “Bo ơi, con có thấy mẹ làm rơi tiền trong nhà không, hình như mẹ làm mất tiền trong ví rồi?” Bo nhanh nhảu trả lời: “Con không biết ạ!”. Câu trả lời của con khiến tôi thất vọng vô cùng nhưng tôi vẫn bình tĩnh chưa có phản ứng gì và vẫn đèo con đến lớp.

Buổi chiều, ở dưới bếp khi chỉ có hai mẹ con, tôi tiếp tục nói bâng quơ nhưng nói to để con trai nghe thấy: “Lạ nhỉ, rõ ràng mình làm rơi tiền trong nhà sáng nay, một tờ 20 ngàn nhưng tìm mãi không thấy là sao? Bo ơi! Con nhặt được tiền của mẹ rồi hả?”. Cu Bo vẫn trả lời tỉnh queo: “Không, con có nhặt được tiền đâu”. Ngay lúc đó, tôi bắt đầu thể hiện thái độ không vui ra mặt và nói chuyện một cách nghiêm túc với Bo: “Thực ra, mẹ đã biết thủ phạm nhặt được tiền của mẹ mà không trả lại rồi, mẹ rất buồn khi mẹ đã cho “người ấy” cơ hội để “đầu thú”, nói thật nhưng người ấy vẫn cố tình lừa dối mẹ. Bo, con có ý kiến gì muốn nói với mẹ không?”

Lúc này cu Bo mới lúng túng và cúi gầm mặt trả lời mẹ: “Dạ vâng, con đã nhặt được tiền của mẹ và con nói dối không nhặt”. Còn gì nữa không? Bo lại im lặng và tôi tiếp tục quát: “2 lần trước con cũng lấy tiền trong ví của mẹ phải không, mẹ biết rồi đó”. Lúc này Bo bắt đầu nước mắt ngắn dài, khóc rưng rức “Mẹ ơi, con biết lỗi rồi”.

Sau khi để con bình tĩnh, thôi khóc, tôi mới nhẹ nhàng hỏi con: “Vậy với tổng cộng 50 ngàn con có, con đã làm gì rồi?” Bo bảo vì muốn bắt chước các bạn ở lớp mua card ảnh hoạt hình để chơi, đồng thời tiêu tiền ăn quà vặt ở trường nên bé đã tiêu hết 30 ngàn trước đó lấy của mẹ, số tiền sáng nay Bo nhặt được bé vẫn chưa tiêu và cất trong cặp.

Sau khi nghe Bo thú thật, tôi mới ôm con vào lòng vào thủ thỉ: “Hành động của con như vậy là chưa tốt nhưng mẹ biết con vốn là đứa trẻ ngoan và đây chỉ là hành động bột phát do mải chơi. Số tiền con lấy trộm của mẹ tuy không nhiều nhưng rõ ràng ăn trộm, ăn cắp là chuyện rất tệ hại. Nếu con cần tiêu tiền vào việc chính đáng, con có thể hỏi xin mẹ cơ mà. Vì vậy, đây là việc con không được phép tái phạm. Chuyện này mẹ sẽ không nói lại với bố nhưng con phải thấy được lỗi sai của mình và mẹ nhắc lại đây là một lỗi nghiêm trọng vô cùng đó. Bo nghe mẹ nói xong lại “Vâng dạ và gục đầu vào lòng mẹ khóc rấm rứt tiếp”.

Tôi cho rằng, Bo vẫn còn nhỏ và việc phạm phải những sai lầm là những hoàn toàn bình thường trong cuộc sống, những cú vấp ngã như vậy khiến con khắc ghi những bài học và trưởng thành hơn. Và tôi tin Bo đã hiểu được bài học ngày hôm nay. Tôi không quát con nặng lời và không đưa ra một hình phạt nhất định nào cho cu cậu mà chỉ muốn bản thân con phải tự ý thức được hành động sai trái mà mình đã làm để rút kinh nghiệm.

Theo Khám phá

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »

EmoticonEmoticon

Note: Only a member of this blog may post a comment.