Chị ơi, chị đừng làm ca-ve nữa…!

Ai gặp Phòng đều phải thốt lên rằng “Phòng đẹp quá!”. Vóc dáng dỏng cao, người đầy đặn và nhất là gương mặt trắng hồng với đôi mắt rất thu hút của cô đã làm không biết bao nhiêu trái tim si tình trong cái xóm nhỏ này xao xuyến… Thậm chí, có chàng còn theo cô lên tận nương chè để ngọt nhạt tán tỉnh…

Trời xanh ghen phận má hồng

Phòng sinh ra trong một gia đình nghèo, cả gia đình có 5 miệng ăn chỉ trông vào 2 sào ruộng và 1 nương chè. Bố mẹ cô lấy nhau khi trạc tuổi cô bây giờ, chỉ biết mưu sinh bằng nghề nông và làm chè. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình cô.

Trong 3 chị em thì Phòng là đứa xinh và nhanh nhẹn, tháo vát nhất. Chị gái cô đã đi làm giúp việc tận trong miền Nam còn cô em gái hay ốm chỉ quanh quẩn làm việc nhà, duy chỉ có cô là được bố mẹ cho đi học. Thế nhưng, ở đất này, đứa nào cũng dang dở chuyện học hành vì không có tiền đi học. Phòng cũng không phải ngoại lệ, cô bỏ học khi học kỳ 2 lớp 9 mới bắt đầu được 3 tuần. Lúc ấy, em gái cô mắc bệnh hen, phải đưa đi viện chạy chữa. Bố mẹ cô cần tiền trang trải cuộc sống gia đình và chữa bệnh cho đứa em nên Phòng buộc phải thôi học. Cô vẫn nhớ như in hình ảnh đứa em nằm co quắp rít lên từng hồi, ánh mắt mệt mỏi của đứa em đã làm cô suy nghĩ rất nhiều khi ấy…

Phòng quyết định đi lấy chồng theo sự sắp đặt của bố mẹ! Đi lấy chồng để bớt một miệng ăn trong gia đình, để bố mẹ có thêm chút tiền đưa em đi chữa bệnh… Người mà bố mẹ chọn cho cô là một cậu trai gần nhà hơn cô 2 tuổi. Gia đình bên ấy thuộc hàng “thường” nhưng họ lại đặt trước mắt bố mẹ cô 5 triệu đồng làm lễ. Thế là, người 15, người 17 tuổi lấy nhau. Đám cưới diễn ra chóng vánh, nhiều thanh niên trong xóm ngỡ ngàng tiếc cho “hoa hậu xóm” lấy chồng sớm quá. Chỉ có Phòng là bình thản đón nhận sự sắp đặt này. Cô giấu nước mắt vào trong lòng và cười rất tươi trong ngày cưới… Cô nhận hết trách nhiệm về mình để đẹp lòng mọi người!

Cô giấu nước mắt vào trong lòng và cười rất tươi trong ngày cưới…

Thế nhưng, nụ cười ấy nở mỗi ngày một ít hơn. Chồng cô vẫn là một thanh niên ham chơi, ngày đi phụ vữa về lại đàn đúm bạn bè. Sau mỗi lần say xỉn là anh chồng lại đánh cô. Hai vợ chồng tay trắng lấy nhau, kinh tế gia đình không có, mỗi tháng anh chồng đưa cho cô được dăm trăm bạc lo cơm nước. Phải chạy ăn từng bữa nhưng anh ta luôn yêu cầu Phòng phải đưa tiền cho anh ta đi nhậu hoặc bắt cô đi mua rượu. Trái ý anh ta là Phòng đã bị chồng “táng” cả cán chổi quét nhà vào mặt, sau đó là những cái tát liên hồi. Lý do chồng cô đưa ra là vì cô đi chơi mà không mua rượu về! Bố mẹ chồng cô không chút mảy may quan tâm tới đứa con dâu cam chịu.

Phòng cam chịu tất cả, không hé răng một lời nào với bất cứ ai… Cô lẳng lặng làm theo ý của tất cả mọi người bên nhà chồng. Việc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa đến việc đồng áng, nương rẫy, tất thảy đều một tay cô đảm nhiệm. Ngày nào cô cũng dậy từ sớm làm việc cho đến tận khuya nhưng chưa bao giờ cô được một lời động viên của chồng hay bố mẹ chồng. Nhưng cô đã không chịu đựng hơn được nữa khi anh chồng say xỉn nghe bạn nhậu nói cô “liếc mắt đưa tình” với một thanh niên ngoài chợ, anh ta đã nổi khùng vác dao đuổi, dọa giết Phòng. Buổi tối định mệnh ngày hôm đó đã đưa đẩy cuộc đời Phòng sang một hướng khác. Cô chạy như điên để trốn người chồng đang lên cơn thú tính. Cô không dám về nhà bố mẹ đẻ vì sợ những người thân yêu nhất của cô sẽ bị liên lụy. Bước chân lang bạt đã đưa Phòng xuống tận Hà Nội.

Đời bán hoa

Một mình thân gái giữa Thủ đô, không họ hàng thân thích, không tiền bạc, không nghề nghiệp, Phòng cũng như nhiều mảnh đời phụ nữ khác đã chọn cho mình cái nghề “sống về đêm” để mưu sinh. Phòng trở thành gái bán hoa tự do. Đời thiếu nữ của cô đã dâng hiến phí hoài cho một người đàn ông không xứng đáng với cô. Và giờ đây, khi không còn gì để mất, khi đã có những tổn thương trong lòng, Phòng có thể làm bất cứ điều gì, kể cả cái nghề bị xã hội khinh bỉ. Cô đã hoàn toàn mất niềm tin vào hôn nhân, hoàn toàn thất vọng về đàn ông.

Cô đang trượt dốc không phanh. Nếu cô thất thân với những người khác thì cũng thế cả, tất cả không ai trân trọng, yêu thương cô thật lòng. Mà cô lại còn đang rất cần tiền. Cô cần tiền để nuôi chính bản thân mình. Cô cần tiền để thuốc thang để đóng học và thuốc thang cho đứa em gái. Con bé Phương càng lớn càng giống chị, cũng xinh xắn, ngoan ngoãn. Nó chưa một lần được cắp sách tới trường. Kỉ niệm những tối Phòng dạy em viết, làm toán lại ùa về. Và cô khóc “Em phải kiếm tiền cho cái Phương đi học. Em gái em cũng là phận gái, cũng trạc tuổi em, nếu không được học hành tử tế sẽ lại đi theo vết xe đổ như em. Đời em đã khổ, đời em đã lầm đường, em không thể để con bé giống mình được”.

Khi không còn gì để mất, khi đã có những tổn thương trong lòng, Phòng có thể làm bất cứ điều gì, kể cả cái nghề bị xã hội khinh bỉ…

Thế là, cứ chập tối, Phòng lại trang điểm, vận váy ngắn đứng ngoài đường vẫy khách. Những khách hàng của cô, trẻ có, già có, trung trung tuổi cũng có, cô tiếp tất cả bọn họ trong sự im lặng. Cô chưa bao giờ hé răng kêu ca một lời nào với khách. Cô để mặc họ, cô chiều theo mọi ý thích của họ, miễn là họ cho cô nhiều tiền. Phòng nhớ như in những lần tiếp khách, khuôn mặt họ ra sao, những lời hứa hẹn của họ với cô…

Cô kể: “Một người đàn ông đáng tuổi ông ngoại cô khi mua cô trong một đêm, sáng tỉnh dậy đã hứa lấy cô làm vợ, mua cho cô một căn nhà nhỏ để làm bồ nhí để phục vụ cho nhu cầu của ông. Những ngày sau đó, ông ta vẫn tìm đến Phòng ở cung đường quen thuộc. Phòng vẫn tiếp ông ta như một khách hàng thân thiết. Cô nhận mọi sự chu cấp về vật chất của ông ta. Được hai tháng thì con gái ông ta tìm đến dằn mặt. Phòng lại ra đi khỏi căn nhà mà ông hứa sẽ sang tên cho cô. Cô không biết ngoài quan hệ mua bán, giữa cô và người đàn ông kia có tình cảm gì không.

Cô chỉ biết rằng đã có lúc người đàn ông kia làm cô hạnh phúc khi chăm sóc yêu thương, chia sẻ với cô, ít nhất là hơn hẳn người chồng của cô không biết làm gì ngoài rượu và đánh vợ”. Và nhiều, rất nhiều người nữa đã hứa hẹn cho cô cái này, chu cấp cho cô thứ kia, sẽ cứu cô khỏi bùn lầy nhơ nhớp này ra sao… Cô nhớ hết, nhớ như in tất cả. Bởi với cô, những tài sản ấy quá lớn, cả đời bố mẹ cô còn chưa bao giờ mơ đến, thế mà cô lại được “cho”. Và ít ra, về tình cảm, cũng có những người chịu chia sẻ với cô đôi chút, dù cho đó là những lời nói gió bay, dù cho đó là những lời tán tỉnh vớ vẩn của đám đàn ông thừa tiền thiếu tình nhưng ít ra nó cũng làm Phòng vui, giúp cô đỡ cô quạnh phần nào.

“Chị ơi, chị đừng làm ca-ve nữa…!”

Sau những thăng trầm trong cuộc đời người đàn bà 18 tuổi, những tưởng cô sẽ ngã quỵ, cô sẽ tìm đến một sự giải thoát nhẹ nhàng cho tâm hồn như không ít cô gái trẻ đã làm. Nhưng không, đúng lúc chơi vơi nhất giữa dòng đời, những kỷ niệm về gia đình, về hình ảnh những người thân trong gia đình cô lại ùa về. Phòng về thăm nhà, cô đưa cho cha mẹ được ba triệu, số tiền cô kiếm được sau nửa năm bươn trải dưới thành phố với bao nhục nhã ê chề. Số tiền đó chả đáng là bao so với nhịp sống đô thành nhưng ở quê cô, đó là một khoản kha khá. Với riêng cô, đó là một khoản tiền lớn, rất giá trị. Bởi kiếm được nó, cô đã phải đánh đổi quá nhiều hạnh phúc của bản thân. Sau đó, cô lại xách đồ đi Hà Nội. Nhưng vừa bước chân vào khu trọ, cô đã nghe thấy giọng con bé Phương gọi chị. Cái Phương đã lặng lẽ theo chị xuống tận Hà Nội.

Những ngày ở với chị, Phương bảo bố mẹ biết Phòng làm nghề gì. Bố mẹ rất thương chị nhưng không biết phải nói với chị như thế nào, phải giúp chị ra sao. Bố mẹ rất ân hận khi tham tiền gả chị cho một người không ra gì… Tất cả những điều ấy không nói ra nhưng Phòng đều hiểu. Tình cảm của bố mẹ dành cho cô, cô rõ hơn ai hết, nhưng nghề này, công việc này, cuộc sống này là do cô lựa chọn. Cô chưa bao giờ có ý trách mẹ, cũng như chưa bao giờ đổ tội cho bất cứ ai. Hàng ngày, Phương lang thang đến xin chạy bàn, rửa bát thuê cho các quán nhậu. Vừa đi làm, Phương vừa tìm lớp học may. Suốt thời gian ấy, Phòng vẫn “ngủ ngày cày đêm”.

Cuộc sống của Phòng bây giờ đã thay đổi hẳn…

Vốn khéo tay nên Phương học rất nhanh. Chỉ sau hai tháng, cô đã được một xưởng may gia công nhận vào làm. Đi làm ở xưởng, tháng lương đầu tiên được hơn một triệu, cô đã mang về tặng chị. Phòng cầm số tiền ấy trong nước mắt giàn giụa, cả hai chị em đều khóc. Số tiền nhỏ nhoi ấy Phương đã phải làm quần quật cả tháng trời mới có được, số tiền ấy là bao giọt mồ hôi của Phương. Phòng chưa bao giờ nghĩ đứa em vẫn hay lên cơn hen mỗi khi thời tiết thay đổi lại có ngày mang tiền về tặng cho mình, mà đó lại là những đồng tiền sạch, kiếm được bằng chính sức lao động của Phương. Phương đã nói trong nước mắt: “Đây là số tiền lương tháng đầu tiên của em.

Chị hãy mang nó đi đăng ký học may, cả hai chị em mình sẽ làm công nhân may, tuy có vất vả nhưng những đồng tiền chúng ta kiếm được sạch sẽ. Chị sẽ làm được, em sẽ ở bên cạnh chị!”.

Hai chị em Phòng chuyển chỗ ở, Phòng muốn thay đổi bản thân mình ngay từ việc thay đổi không gian sống. Bởi những người hàng xóm hàng ngày vẫn nhìn cô với ánh mắt miệt thị thừa hiểu cô làm nghề gì và sống như thế nào. Cô và em gái mình dọn hết những bộ đồ cũn cỡn thiếu vải, những nước hoa son phấn rẻ tiền đem vứt đi. Phòng bắt đầu tập ngủ đêm theo đúng giờ sinh hoạt bình thường, sáng sáng hai chị em dậy sớm đi bộ rồi người đi học may, người xuống xưởng làm.

Cuộc sống của Phòng bây giờ đã thay đổi hẳn. Quá khứ của cô sẽ vĩnh viễn nằm lại trong nơi nào đó sâu kín nhất. Và bây giờ, khi có mặt trên đời được 18 năm, người đàn bà ấy mới thực sự bắt đầu cuộc sống cho riêng mình, sống cho ra sống, không sống hoài sống phí.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »

EmoticonEmoticon

Note: Only a member of this blog may post a comment.