Làm bạn với quái vật

Một ngày, tôi bàng hoàng nhận được thư của các cô giáo ở trường mầm non của con thông báo về một cô bé trong lớp mới phát hiện khối u trong não và phải tiến hành phẫu thuật ngay.
Trong lúc đang tràn ngập cảm xúc tiêu cực, tối hôm đó, cô con gái hơn bốn tuổi của tôi về nhà kể chuyện rằng ở trường, nó đã vẽ một tấm thiệp tặng cho cô bạn bị ốm. Khi tôi hỏi con vẽ gì tặng bạn, con hồn nhiên trả lời: Con vẽ một con quái vật.


Tôi giật mình sợ hãi, trách con sao không vẽ cái gì đẹp hơn, ví dụ như bông hoa hay công chúa tặng bạn, để rồi ngạc nhiên nghe câu trả lời của cô con gái nhỏ, rằng: “Mẹ đừng lo, con biết bạn ấy sẽ thích, vì đó là một con quái vật màu tím - màu yêu thích của bạn ấy. Con cũng vẽ con nắm tay bạn ấy rồi cùng nắm tay con quái vật”. Hoá ra với con, quái vật không phải là thứ đáng sợ, nhất là khi nó được vẽ bằng màu con ưa thích. Quái vật cũng có thể là bạn của con, khi con dám vượt lên sợ hãi để cầm tay nó.

Ngẫm lại cách đối diện với một tình huống bất thường của chính mình và con gái, tôi nhận ra rằng, con trẻ thông thái và linh hoạt hơn rất nhiều. Có lẽ, khả năng phản ứng tích cực với hoàn cảnh ấy của con gái tôi một phần là nhờ triết lý giáo dục được phổ biến qua hình tượng quái vật, ma quỷ. Tôi nhận thấy ở Mỹ, các phim hoạt hình, các nhân vật của chương trình dành cho trẻ em hầu hết đều mang dáng vẻ dị hợm khác thường (kiểu như nhân vật Yoda trong phim Stars War), được gọi tên là quái vật (nhân vật Quái vật bánh quy - Cokie Monster - trong series truyền hình nổi tiếng Sesame Street chẳng hạn). Thế nhưng tính cách của chúng rất đáng yêu, đối lập với vẻ bề ngoài đáng sợ.

Ban đầu, mới liếc qua, tôi thầm nghĩ sao người ta lại xây dựng toàn là các con vật lông lá, một mắt xấu xí thế kia cho trẻ con xem. Nhưng thấy bọn trẻ hào hứng xem, rồi say mê các nhân vật trong hình hài quái vật đến độ đòi bố mẹ mua thú bông quái vật để ôm khi ngủ, tôi mới vỡ lẽ. Hoá ra, đó là một triết lý giáo dục. Cuộc đời không phải luôn là màu hồng và chỉ mang sắc diện đẹp xinh của công chúa, hoàng tử; cuộc đời rất nhiều khi mang hình thù quái vật. Vậy thì, thay vì né tránh và sợ hãi, ta nên học cách đánh bạn với nó, hiểu biết thêm về nó và nếu có thể thì yêu nó như đó là một phần đương nhiên của đời sống ta vậy.

Dường như cũng nhờ “đánh bạn” với những con quái vật, bọn trẻ con ở Mỹ có thêm cơ hội để nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa sắc. Một trong những cuốn sách yêu thích nhất của bọn trẻ nhà tôi là cuốn sách về trường học phù thuỷ. Cuốn truyện kể về một ngôi trường dành cho các cô nhóc, cậu nhóc học làm phù thuỷ, với sự dạy dỗ của một cô giáo phù thuỷ có cái mũi dài. Điều thú vị là câu chuyện mô tả mọi thứ bằng cái nhìn khác lạ của thế giới phù thuỷ, ví dụ như một cô bé phù thuỷ rất hãnh diện vì có cái áo mới hình nhện. Khi bị bạn khác trêu chọc, biến chiếc áo thành áo hoa thì cô bé vô cùng giận dữ vì với phù thuỷ, áo hoa là áo xấu.

Câu chuyện dạy cho bọn trẻ cách nhìn thế giới bằng nhãn quan rộng mở, không áp đặt. Nó tập cho trẻ làm quen với lối tư duy đa chiều, để hiểu rằng: mỗi thế giới có một tiêu chuẩn khác nhau và cái đẹp trong thế giới phù thuỷ có thể hoàn toàn trái ngược với cái đẹp như chúng vẫn biết, vẫn quan niệm. Học về sự khác biệt để đón nhận những khác biệt (thậm chí bất thường) với tâm thế bình thản và sự tôn trọng cần thiết, đó là điều mà chính tôi đã học lỏm được từ cô con gái nhỏ và thế giới quái vật trong mắt con.

Từ hôm nghe con gái kể về con quái vật màu tím con đã vẽ tặng bạn, tôi chủ động mở thêm một cánh cửa để quái vật bước vào đời sống của mình. Tôi cũng bắt đầu học cách nhìn những khó khăn trong đời như nhìn những con quái vật màu tím - một đối tượng có thể dị thường nhưng hoàn toàn có khả năng tiếp cận và làm quen, nếu biết mở lòng, mở mắt.

Bài "Làm bạn với quái vật"
Theo Vnexpress.net - Nguyễn Thị Thanh Lưu

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »

EmoticonEmoticon

Note: Only a member of this blog may post a comment.