Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh là những ấn tượng về một nhà lãnh đạo
giải quyết công việc rất nhanh, rất quyết liệt cùng sự giản dị, gần gũi
với mọi tầng lớp nhân dân.
Nguyễn Bá Thanh Người lãnh đạo luôn quan tâm, gần gũi với nhân dân
Trước khi ra làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh
từng giữ chức vụ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng trong 10 năm
(từ 2003 – 2013).
Trong 10 năm ấy, ông Thanh đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong lòng người dân Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Tại mỗi phiên họp và chất vấn của TP Đà Nẵng, ông luôn được người dân
đón đợi bởi phong cách nói chuyện thẳng thắn, cuốn hút và sự quyết
liệt, chính xác trong phân tích quản lý.
Người dân rất tâm đắc, chờ đợi những buổi trả lời chất vấn của ông Nguyễn Bá Thanh vì ông là người luôn chỉ ra đúng vấn đề.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng được người dân rất yêu mến bởi lối sống giản dị, gần gũi
Trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Thành ủy, ông không ngại ngần trò
chuyện, động viên với những người lái xe thồ, các ông chồng hay đánh vợ,
những tội phạm hay những em bé lang thang… để tìm cách giúp đỡ họ.
Lời tâm sự muốn uống rượu, tâm sự với người dân lao động của ông đã khiến nhiều người xúc động:
“Tôi rất muốn xách vài chai rượu xuống ngồi uống với mấy ông xe thồ
tự quản để động viên họ nhưng bận quá. Bận đến mấy thì sắp tới tôi cũng
phải ngồi với họ, động viên họ”.
Khi còn ở vị trí Chủ tịch UBND T.P Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã
chỉ đạo sáng lập Hội Bảo trợ trẻ em nghèo bất hạnh T.P Đà Nẵng vào năm
2002.
Căn nguyên của việc này xuất phát từ một câu chuyện xúc động giữa
đêm. Đó là một người phụ nữ dắt đứa trẻ nhỏ gõ cửa nhà ông Bá Thanh.
Người này nói anh của đứa trẻ đang dắt theo vừa mới mất vì bệnh tim,
đứa trẻ này sẽ chết nếu không được chữa trị. Người phụ nữ nói, ca mổ hết
25 triệu đồng.
Ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa cho người phụ nữ 30 triệu đồng. Sau hôm đó, ông trăn trở và có ý tưởng thành lập hội bảo trợ trẻ em.
Ông Nguyễn Bá Thanh trực tiếp kiểm tra chất lượng nồi cháo từ thiện ở bệnh viện
Hay khi mới giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã
kể câu chuyện về chủ một quán ốc hút ở ngã tư Lê Duẩn – Nguyễn Thị Minh
Khai khi nói về ngành thuế.
Người chủ quán ốc này đã đến khóc ở Uỷ ban vì thuế từ 260.000 đồng tăng lên 500.000 đồng/tháng.
Sau đó ông Nguyễn Bá Thanh đã giả làm người ăn ốc, vào quán này mới
biết quán rất ế vì địa thế không tốt, chủ quán lại kém khâu ăn nói.
Khi về, ông kêu Cục phó Cục Thuế Đà Nẵng Dương Tấn Lực lên hỏi:
“Người ta buôn bán như thế mà thuế tăng gấp đôi, lên đến cả chỉ
vàng/tháng thì làm sao sống cho nổi? Anh làm lãnh đạo mà không chú ý, để
cán bộ hành dân ra bã đó nghe!”.
Nguyễn Bá Thanh “Cứ mỗi sáng, tôi lại cảm thấy đau nhói”
Khi nói về tình trạng an ninh trật tự, ông Nguyễn Bá Thanh cũng có nhiều trăn trở:
“Cứ mỗi sáng, cầm tờ báo lên đọc tôi lại cảm thấy đau nhói vì ở đâu
đó lại xảy ra tình trạng thanh thiếu niên cướp của giết người.
Ở Đà Nẵng không “nóng” nhưng tình trạng trên vẫn có và đang tiềm ẩn
nguy cơ. Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với
thanh thiếu niên hư.
Trung bình cứ 10 em thì có 5 em tiến bộ. Số còn lại thì không chịu
“tiến” mà đang muốn vào nhà đá. Là con cháu mình cả nên xót lắm!
Nhưng biết làm thế nào được. Động viên không được thì mở rộng trại
giam Hòa Sơn ra để đón mấy ông cụ non ấy vào ở cho xã hội được yên”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Thanh bức xúc: “Ở phường nào cũng có dân quân tự vệ, thôn trưởng, thôn phó…
Mỗi tổ có đến 10 thậm chí 15 ông cứ ban ngày thì ra ngồi ì tại trụ
sở. Ban đêm, tội phạm hoạt động thì không thấy mấy ông an ninh hay dân
quân đâu.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng có 2 tổ tự quản rất điển hình là Tổ xe thồ
tự quản ở Hòa Cầm và Tổ nữ dân quân tự vệ ở quận Ngũ Hành Sơn… tay không
bắt cướp thì chẳng thấy UBND TP khen thưởng hay động viên.
Họ nghèo họ không có lương bổng gì mà tự nguyện ra bảo vệ an ninh thôn xóm như vậy thì không khen”.
Trong buổi nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành
phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Ở đời không ai không có sai lầm.
Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử”.
“Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè
dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn
rồi”.
Ông ví von con trâu có sừng nhọn, mỗi lần húc nhau lòi ruột ra. Con
người ta có ý chí, có ý thức nên không thể vì chuyện gì cũng vác dao ra
đâm chết người.
Nếu các em học không nổi thì chuyển sang học nghề, để biết đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền là gì. Đừng để nhàn cư vi bất thiện.
Ông Thanh cũng đưa ví dụ về những khó khăn trong thời của ông để động
viên các em chăm lo học hành: “Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút
bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì
quá kém!”
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thanh nói: “Đà Nẵng là một trong những
địa phương có nhiều trường học nhất. Ở đó, các cháu có bạn bè, thầy cô
và một tương lai sáng lạn.
Nếu các cháu không chọn trường học, không còn cách nào khác là chú
phải cho mở rộng Trại giam Hòa Sơn ra 5ha nữa để đón các cháu. Các chú
chỉ muốn khuyên các cháu chứ nếu phải bỏ tù các cháu, chú đau lắm”.
EmoticonEmoticon
Note: Only a member of this blog may post a comment.